Thứ 7, 27/4/2024 Tin tức & Sự kiện  > Thông tin y học

Phân biệt sốt do cúm A/H1N1 và sốt do sốt xuất huyết

20/10/2009 18:38 GMT+7

Hiện nay, số bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 và sốt xuất huyết đều tăng trên cả nước. Nguyên nhân gây ra hai bệnh này đều do virut nhưng là hai loại virut có đường lây truyền khác nhau, kéo theo đó là những biểu hiện lâm sàng khác nhau. Người bệnh có thể phân biệt được để có cách phòng chống và chữa trị hiệu quả.

Dấu hiệu phân biệt sốt do virut cúm A/H1N1 và sốt xuất huyết

Sốt là một phản ứng của cơ thể, nguyên nhân có thể do virut, vi khuẩn, ký sinh trùng hay những nguyên nhân khác như từ trường... Khi bị sốt, nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn bình thường, dễ nhận biết. Sốt là dấu hiệu nhận biết đầu tiên với những trường hợp nghi ngờ bị cúm A/H1N1. Khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh cũng bị sốt nhưng có thể phân biệt được bằng các dấu hiệu lâm sàng kèm theo. Khi người bệnh mắc cúm A/H1N1 kèm theo sốt, người bệnh còn có các dấu hiệu viêm long đường hô hấp rất đặc trưng như ho, đau họng, chảy nước mắt, nước mũi, ngoài ra còn có cảm giác đau đầu, đau người, rét run, mệt mỏi. Trong khi đó, khi bị sốt xuất huyết, người bệnh có biểu hiện sốt cao đột ngột liên tục từ 2-7 ngày. Từ ngày thứ 2, thứ 3 của bệnh bắt đầu có biểu hiện xuất huyết dưới nhiều hình thái. BS. Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa điều trị tích cực- Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia cho biết: Trên lâm sàng, ở người bệnh sốt xuất huyết có thể thấy dấu hiệu dây thắt dương tính, sức bền của thành mạch giảm, tiểu cầu giảm, trên da có thể có nốt, chấm xuất huyết hoặc có thể có xuất huyết tại các khu vực khác như chảy máu chân răng, kinh nguyệt nhiều hơn bình thường hoặc bất thường. Dựa vào các dấu hiệu này, bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị khác nhau với từng loại bệnh. Đối với cúm A/H1N1 sẽ được điều trị bằng thuốc đặc hiệu tamiflu và các thuốc điều trị triệu chứng như hạ sốt, kháng sinh nếu có bội nhiễm, với sốt xuất huyết sẽ được điều trị bằng thuốc hạ sốt paracetamol và bù dịch sớm bằng đường uống. Mỗi trường hợp cụ thể của bệnh có những đặc trưng riêng nên sẽ có những biện pháp điều trị thích hợp.

Dịch tễ - yếu tố không thể bỏ qua khi phân biệt các loại sốt

Mỗi người có thể tự xác định được mình bị sốt do cúm A/H1N1 hay sốt do sốt xuất huyết dựa vào yếu tố dịch tễ. Những người sống gần hoặc tiếp xúc gần với người mắc cúm A/H1N1 khi bị sốt cần nghi ngờ lây nhiễm cúm A/H1N1 do bệnh có khả năng truyền nhiễm rất cao qua giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng qua ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với đồ vật có chứa virut, từ đó đưa tay lên mắt, mũi miệng làm lây nhiễm. Còn sốt xuất huyết nguyên nhân là do muỗi truyền từ người bệnh sang người lành, vì vậy, đối với trường hợp sống trong vùng có người mắc bệnh sốt xuất huyết, khi bị sốt cần quan sát các biểu hiện chấm xuất huyết kèm theo.

Ngoài hai bệnh trên còn gặp bệnh do virut lây theo đường tiêu hóa như virut gây bệnh tay chân miệng là một ví dụ, virut này gây bệnh ở đường tiêu hóa, nhân lên ở vùng hầu họng, sốt bắt đầu xuất hiện ở giai đoạn này, sau đó lan ra toàn thân, biểu hiện chủ yếu bằng những nốt đặc trưng ở lòng bàn tay, bàn chân và miệng.

Bác sĩ sẽ quyết định biện pháp điều trị khi bệnh nhân có sốt

BS. Cấp cho biết, trên lâm sàng rất khó phân định giữa cúm thường với cúm A/H1N1 mà phải thông qua xét nghiệm mới xác định chính xác. Trong 3-4 ngày đầu, sốt dengue không có biểu hiện gì khác so với sốt do virut khác nên cũng rất khó phân định. Do vậy, khi có biểu hiện sốt, người bệnh cần đến bệnh viện khám, các thầy thuốc sẽ căn cứ vào biểu hiện lâm sàng, yếu tố nguy cơ như tiếp xúc gần với người dương tính với cúm A/H1N1 hay bệnh nhân ở vùng có dịch sốt xuất huyết để quyết định làm xét nghiệm gì và có chỉ định điều trị thích hợp. Người bệnh nên đi khám bệnh sớm, xác định nguyên nhân để được điều trị sớm. Có những bệnh lý không hoàn toàn là sốt virut (có thể do một loại vi khuẩn hay bệnh lý khác) nhưng có những biểu hiện mệt mỏi, nếu chỉ cho rằng đó là sốt virut và sẽ khỏi sau 7 ngày thì có thể đã bỏ qua cơ hội điều trị sớm và có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm trong giai đoạn này. Không những thế, sốt cao cũng là một tình huống cấp cứu, cũng có thể gây ra tai biến, đặc biệt ở trẻ nhỏ, có thể gây co giật, hôn mê, hoặc các rối loạn nước, điện giải, hoặc có thể gây biến chứng não hay các cơ quan nội tạng khác. Do vậy khi bị sốt, nên đến khám bác sĩ để được hướng dẫn điều trị đúng. Có thể phải nhập viện để điều trị hoặc có thể về nhà điều trị theo đơn và hẹn tái khám. Một điều cần chú ý là cho dù virut truyền qua con đường nào đều có nguy cơ lây lan sang người khác, đặc biệt với những virut nghi ngờ lây lan qua đường hô hấp, người bệnh cần được cách ly, đeo khẩu trang để tránh lây bệnh cho những người xung quanh.

Theo SKĐS 6/10