Thứ 5, 28/3/2024 Tin tức & Sự kiện  > Thông tin y học

Vitamin B12 cần cho những người nào?

19/12/2009 9:57 GMT+7

Vitamin B12 (viết tắt là B12) đã được biết đến từ lâu. Năm 1948, nhà khoa học Rickes và cộng sự đã phân lập được từ gan một chất kết tinh màu đỏ đặt tên là B12. Những năm sau đó, các công trình nghiên cứu của nhiều nhà khoa học đã phát hiện ra lượng B12 mà cơ thể cần tới hàng ngày, nó có ở những nguồn thức ăn nào và khi cơ thể thiếu B12 thì có những triệu chứng gì... Mấy năm gần đây lại có thêm những nghiên cứu mới bổ sung cho B12.

Động vật và thực vật không tổng hợp được B12, mà nó do vi khuẩn tổng hợp. Trong cơ thể các động vật ăn cỏ, B12 được tổng hợp bởi hệ vi khuẩn đường ruột, sau đó được hấp thu. Hàm lượng B12  tính theo microgam (mcg) có trong 100 gam thực phẩm tươi như sau: thịt bò 2 -8, thận bò 20 -50, gan bò 30 -130, sữa bò 0,2 - 0,6, thịt lợn 0,1 - 5, lòng đỏ trứng 1,2... Các thực phẩm thực vật, rau quả hầu như không có B12. Trong thực phẩm, B12 đều ở dạng phức hợp với protein. B12 khá bền vững với nhiệt độ trong nấu ăn, trừ khi trong môi trường kiềm và nhiệt độ quá 100oC. Sữa đun sôi 2 -5 phút mất 30% B12, thịt luộc 45 phút mất khoảng 30% B12...

Thiếu B12 và triệu chứng bệnh

Nhu cầu B12 hàng ngày theo RDA (khẩu phần dinh dưỡng khuyến khích) là 2mcg cho nam và nữ trưởng thành. Phụ nữ có thai và cho con bú thì 2,2mcg.

B12 được hấp thu qua thức ăn nhờ một yếu tố nội tại chống thiếu máu của dịch vị là gastromucoprotein, nếu thiếu yếu tố này B12 sẽ bị đào thải, do đó trong điều trị người ta thường dùng B12 dạng thuốc tiêm.

Nhân dân thường gọi vitamin là thuốc bổ, vì cơ thể cần có chúng mới duy trì được sức khỏe, nếu thiếu một vitamin nào đó dễ phát sinh bệnh tật. Với B12 cũng vậy, hầu hết thiếu B12 ở người là do kém hấp thu B12, do thiếu yếu tố nội tại, hay giảm hoặc mất chức năng hấp thu đặc hiệu của đoạn cuối ruột non. Những người dễ bị thiếu B12 gồm: những người ăn chay trường diễn hoàn toàn không ăn thực phẩm nguồn gốc động vật. Những người bệnh viêm teo niêm mạc dạ dày, hoặc đã phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ dạ dày. Người có bệnh ở ruột non, phần ruột bệnh bao gồm cả phần cuối ruột non như bệnh Sprue, bệnh viêm ruột vùng, đã cắt đoạn ruột hoặc nối tắc ruột.

Nếu thiếu B12  sẽ rối loạn sản xuất máu ở tuỷ xương, dẫn đến thiếu máu nguyên bào khổng lồ do hồng cầu không trưởng thành được. Người bệnh xanh xao, dễ mệt yếu, ăn mất ngon, hay hồi hộp "đánh trống ngực", đau đầu, khó thở... Ngoài ra, còn có các biểu hiện về thần kinh như dị cảm (cảm giác tê dần, buồn buồn như kiến bò), giảm cảm giác vị thế (chứng thất điều, đi đứng xiêu vẹo), khả năng trí óc giảm, hạ huyết áp tư thế đứng...

B12 với người bệnh ung thư

B12 đặc biệt có tác dụng tốt với nhiều người bệnh, vì nó giúp cho sự phân chia và tái tạo của tổ chức, giúp tổng hợp mạnh protein và chuyển hoá lipid do đó giúp cho sự trưởng thành của cơ thể. B12 tham gia phản ứng tổng hợp thymidylate - một thành phần trong phân tử ADN, cung cấp nguyên liệu để tổng hợp ADN, góp phần vào quá trình phân chia tế bào và trưởng thành tế bào trong cơ thể. Nhưng với bệnh nhân ung thư thì ngược lại. Bởi người ta nhận thấy: khối u ác tính có những biểu hiện sinh hóa của một tổ chức đang phát triển mạnh, tăng những chất protein có trọng lượng phân tử nhỏ, tăng loại acid amin đồng phân D (bình thường phần lớn là đồng phân L), tăng AND và ARN do tăng phân bào và tăng tổng hợp protein. Ngoài ra, còn tăng các acid béo không bão hoà, tăng phospho lipid, lecithine và cholesterol, tăng giáng hóa glucid theo con đường yếm khí...

Với những lý do nói trên của khối u ác tính, người ta không muốn "đổ thêm dầu vào lửa", mà khuyên không nên dùng B12  cho người bệnh ung thư, vì nó có thể làm tăng tốc độ phát triển của tế bào ung thư làm cho ung thư phát triển nhanh.

Ngoài ra, B12 còn không được dùng cho người bệnh trứng cá, người có tiền sử dị ứng thuốc, người bệnh thiếu máu chưa rõ nguyên nhân.

Một vài nghiên cứu gần đây

Thiếu B12 và dị tật ở thai nhi

Phụ nữ mang thai nếu cơ thể thiếu acid folic (còn gọi là vitamin B9) sinh ra con hay bị dị tật nứt đốt sống thần kinh, nhiều người đã biết. Nhưng công trình nghiên cứu công bố năm 2004 của các nhà khoa học thuộc Trường đại học Y khoa Nijmegen, Hà Lan cho biết thêm nếu chỉ riêng acid folic thôi thì chưa đủ, mà phụ nữ mang thai còn cần thêm cả B12. Nghiên cứu được thực hiện trên 45 bà mẹ có con bị nứt đốt sống, so với 83 bà mẹ khác có con không bị dị tật. Kết quả định lượng B12 trong máu đã cho thấy: các bà mẹ có con bị dị tật nứt đốt sống, có hàm lượng B12 trong máu thấp hơn 21% so với các bà mẹ kia. Họ cũng cho biết, nếu thiếu B12 trầm trọng, tỉ lệ mắc dị tật này có thể tăng lên gấp 3 lần.

B12 và não người cao tuổi

Các nhà nghiên cứu thuộc Trường đại học Oxford, Anh mới đây đã thông báo một kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của B12  đến não người cao tuổi. Họ đã nghiên cứu định lượng B12 trong máu của 1.000 người có độ tuổi từ 61 - 87, chụp cắt lớp não, kiểm tra trí nhớ. Những người này được theo dõi trong 5 năm. Kết quả thấy rằng những người được bổ sung B12, hoặc có hàm lượng B12 trong máu cao thì khối lượng não bị teo (kích thước não nhỏ dần theo tuổi ở người già) chỉ bằng 1/6 những người già có hàm lượng B12 trong máu thấp hơn. Theo các nhà nghiên cứu công trình này thì có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động và chức năng của não mà ta không thể kiểm soát được. Họ khuyên chỉ cần thay đổi trong chế độ ăn bao gồm việc tăng cường các loại thực phẩm giàu B12 có thể giúp hạn chế teo não ở người cao tuổi và cải thiện trí nhớ môt cách rất đáng khích lệ.

                                                                                          ThS. Nguyễn Thị Minh Thu

                                                                              (Nguồn: BS. Vũ Hướng Văn - suckhoedoisong.vn)