Thứ 5, 28/3/2024 Tin tức & Sự kiện  > Thông tin y học

Chăm sóc bàn chân ở người đái tháo đường

02/06/2010 21:3 GMT+7

Biến chứng mạch máu là bệnh khó tránh khỏi ở bệnh nhân đái tháo đường. Nếu như biến chứng động mạch vành và tai biến mạch máu não có thể dẫn đến đột tử thì biến chứng mạch máu ngoại vi bàn chân cũng là một bệnh thường gặp và gây ra không ít nguy hiểm, thậm chí nhiều người bệnh phải cắt cụt chi do hoại tử. Do vậy vấn đề cần thiết là có biện pháp chăm sóc bàn chân đúng cách cho người đái tháo đường.

 

Bệnh nhân đái tháo đường nên vệ sinh chân hằng ngày. 

 

Những bệnh hay gặp ở bàn chân người đái tháo đường

Bệnh thần kinh ngoại vi: Đường huyết cao làm hủy hoại lớp áo ngoài của các dây thần kinh, là nơi tiếp nhận cảm giác. Vì thế, người bệnh có thể không cảm thấy đau, nóng hay lạnh ở bàn chân và cẳng chân của mình, khi dẫm phải đinh hay các vật sắc nhọn hoặc khi bị bỏng mà không biết. Người ta gọi đó là hiện tượng "mất các cảm giác bảo vệ". Vì vậy, một vết thương dù nhỏ cũng có thể bị loét rộng ra và trở thành trầm trọng. Các biểu hiện sớm thường gặp là: cảm giác lạnh ở hai chân, ngứa hoặc tê bì; bứt rứt khó chịu, hoặc nóng ran ở hai bàn chân.

Bệnh mạch máu ngoại vi: Thường xảy ra ở các mạch máu nhỏ và hẹp, làm giảm dòng máu tới chân.Việc kém máu nuôi làm cho da chân trở nên khô, nứt nẻ, dễ bị loét và nhiễm khuẩn. Biểu hiện này thường kín đáo, khó nhận biết như: thay đổi màu sắc da, lạnh hoặc tê bì hai chân, đau chân lúc nghỉ ngơi...

Tổn thương mạch máu ngoại vi, nếu phối hợp với bệnh thần kinh ngoại vi, sẽ làm vết thương lâu lành. Mặt khác, đường huyết cao là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Vì thế, vết thương có thể bị loét, nhiễm khuẩn, có thể tiến triển thành hoại tử nếu không được điều trị đúng và kịp thời. Khi đó nguy cơ cắt cụt chi rất cao.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến loét bàn chân là: Nam giới; mắc bệnh đái tháo đường trên 10 năm hoặc tuổi trên 60; kiểm soát đường huyết kém; có biến dạng bàn chân, chai chân, phồng rộp da chân...; đã từng bị loét bàn chân; có các biểu hiện của tổn thương thần kinh ngoại vi và/hoặc tổn thương mạch máu ngoại vi; giảm thị lực; có biến chứng thận; đi giày dép không phù hợp với bàn chân... Loét bàn chân dễ xảy ra nếu có nhiều yếu tố nguy cơ kể trên hoặc có một nguy cơ nhưng ở mức độ nặng.

Chăm sóc bàn chân khi bị bệnh đái tháo đường

Trước hết, người bệnh phải có cách thay đổi lối sống giúp kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp và cholesterol máu ở mức độ an toàn. Không dùng các chất kích thích, đặc biệt là thuốc lá, dùng thuốc đúng chỉ định hằng ngày. Với riêng chăm sóc bàn chân cần có những lưu ý sau đây:

Kiểm tra bàn chân hằng ngày: Nên chọn một thời điểm thích hợp trong ngày để kiểm tra bàn chân, thường là buổi tối và làm việc đó như một thói quen. Chọn nơi đủ ánh sáng để quan sát kỹ bàn chân và các kẽ ngón chân, tìm xem có các vết nứt trên da, các vết phỏng rộp, vết thâm, các nốt chai chân và những chỗ đau trên da. Nếu không cúi xuống để nhìn bàn chân được rõ, hãy sử dụng một chiếc gương hoặc nhờ người thân trong gia đình hay bạn bè giúp đỡ.

Vệ sinh chân hằng ngày: Cẩn thận rửa sạch chân với nước ấm và xà phòng trung tính, đặc biệt là khoảng kẽ giữa các ngón chân. Không ngâm chân trong nước quá lâu. Trước khi rửa chân hay tắm, nên kiểm tra nhiệt độ của nước xem có quá nóng không. Dùng nhiệt kế, mu tay hoặc khuỷu tay để kiểm tra: nhiệt độ nước không nên quá 37oC. Sau khi rửa, dùng khăn bông mềm thấm khô chân, đặc biệt các kẽ ngón chân. Nếu da chân khô có thể dùng kem dưỡng da bôi lên trên mu chân và dưới lòng bàn chân để giữ cho da được ẩm và trơn, nhưng không bôi vào kẽ ngón chân.

Cắt móng chân mỗi tuần hoặc khi thấy dài: Nên cắt tỉa móng chân theo đường vòng của ngón. Không để móng dài, cũng không cắt móng quá ngắn và không cắt sâu vào các góc móng (khóe móng). Nếu chân có các cục chai, không được tự ý cắt bỏ, cũng không dùng dao cạo, băng dính hoặc dịch lỏng để loại bỏ vết chai.

Giữ cho mạch máu được lưu thông: Hãy đặt chân ở tư thế ngang khi ngồi. Không bắt chéo chân trong thời gian dài. Không đi tất chật, đàn hồi, có vòng cao su ở quanh cổ chân. Tập cử động các ngón chân trong khoảng 5 - 10 phút, vài lần trong ngày. Các hình thức luyện tập như đi bộ, bơi lội hoặc đạp xe là những bài tập thể dục tốt và dễ cho bàn chân vận động, giúp cải thiện lưu thông mạch máu.

Chọn giày dép như thế nào?

Luôn mang giày dép thích hợp để bảo vệ bàn chân kể cả khi đi lại trong nhà và lúc lao động ngoài trời. Kiểm tra bên trong giày xem có gạch đá, vật nhọn, những chỗ gồ ghề, thủng rách trước khi mang. Lưu ý tìm những hõm tì đè của bàn chân lên mặt đế giày dép (cho biết có vùng có tăng áp lực ở bàn chân). Mang tất để giảm chấn thương, loại tất không có chỗ nối. Khi trời lạnh chỉ mang tất, không dùng các chai nước nóng hoặc các vật nóng đặt lên chân để làm ấm và cần thay tất hằng ngày vì rất dễ gây bỏng do thần kinh ngoại vi mất cảm giác. Trong lòng giày dép nên có miếng lót mềm. Nên chọn mua giày vào buổi chiều hoặc cuối ngày. Với những đôi giày mới, nên đi thử từ từ, mỗi ngày khoảng 1 đến 2 giờ trong một vài tuần đầu để chân được làm quen.

Luôn giữ giày và tất sạch sẽ khô ráo để tránh những bệnh về da.

Không nên để chân trần tiếp xúc với bề mặt nóng như cát nóng, bề mặt xi măng ngoài trời nắng... Thường xuyên thay giày dép đi trong ngày, nên có hơn 2 đôi đi lại trong ngày với kiểu dáng khác nhau vì kiểu giày dép khác nhau giúp bàn chân không tì đè mãi ở một vị trí. Tuyệt đối không dùng giày cao gót và dùng các trang sức ở bàn chân.

BS. Trần Quốc Minh

(Nguồn http://www.suckhoedoisong.vn)