Thứ 6, 26/4/2024 Tin tức & Sự kiện  > Thông tin y học

Bệnh sốt xuất huyết lan rộng: Đáng lo không kém cúm A/H1N1

16/11/2009 13:43 GMT+7

Trong những ngày qua, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) tăng nhanh trên toàn quốc đã khiến nhiều người lo ngại về sự bùng phát của dịch. Sự tăng bất thường số người mắc bệnh là theo chu kỳ 10 năm/lần nhưng diễn biến dịch tễ có thay đổi, không chỉ xảy ra ở phía Nam mà lan ra cả miền Bắc, trong đó Hà Nội đang là điểm nóng.

Dịch đến sớm và số người mắc tăng bất thường

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, dịch SXH vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Hà Nội. Thống kê ở 12 tỉnh, thành phía Bắc từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hàng chục ngàn ca SXH, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tại TP.Hồ Chí Minh, một trong những điểm nóng nhất về SXH, số ca mắc bệnh cũng tăng 39% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ tử vong tăng 100% với 8 bệnh nhân. Ước tính, có khoảng 250-300 ca SXH nhập các cơ sở y tế mỗi ngày. Không chỉ TP.Hồ Chí Minh, nhiều địa phương khác cũng có số mắc SXH tăng mạnh so với cùng kỳ: Phú Yên tăng 569%, Quảng Ngãi tăng 131%, Trà Vinh tăng 241%, Kiên Giang tăng 148%...

Theo thống kê của ngành y tế, trong giai đoạn 2003-2007, mỗi năm Hà Nội có khoảng hơn 1.100 ca mắc SXH, tập trung từ tháng 9 đến tháng 11. Như vậy, năm nay dịch đến sớm và tăng bất thường. Kết quả giám sát côn trùng truyền bệnh cho thấy, nhiều quận, huyện các chỉ số đều ở mức cao vượt ngưỡng gây dịch, nguy cơ xảy ra dịch lớn là rất cao. Những ngày này, không chỉ tại Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm Quốc gia mới có tình trạng quá tải mà cả các khoa truyền nhiễm, cấp cứu của các bệnh viện trong thành phố đều đông bệnh nhân.

Không thể khoán trắng cho y tế

Bệnh SXH đang diễn biến nguy hiểm, tuy nhiên, cả người dân và chính quyền đều chưa nhận thức rõ được mối nguy hiểm của dịch SXH nên công tác này hiện nay ở nhiều địa bàn dân cư vẫn chưa được chú trọng. Điều này có thể thấy rõ ở việc ổ dịch xuất hiện ở những khu vực công tác vệ sinh môi trường kém, người mắc bệnh đã xuất hiện ở hầu hết quận, huyện; khi mắc bệnh chủ quan nên để bệnh tiến triển nặng mới nhập viện... Sau khi dịch đã có dấu hiệu gia tăng mạnh, nhiều người tự ý phun thuốc diệt muỗi. Dịch vụ này những ngày qua ở những nơi có người mắc bệnh tăng nhanh nhưng theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, người dân không nên phun thuốc tràn lan, bởi sẽ làm gia tăng nguy cơ kháng hóa chất đối với muỗi vằn, tác nhân lan truyền bệnh.

Sự lan rộng của dịch SXH cho thấy công tác phòng chống SXH chưa tốt. Theo ông Hoàng Đức Hạnh, khó khăn trong công tác phòng chống dịch SXH là quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, di biến động dân cư lớn, số mắc có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Sự hợp tác của người dân trong công tác phòng chống SXH, đặc biệt ở khu vực nội thành còn hạn chế.

Bên cạnh đó, phải nhìn nhận rằng, trong khi các bệnh viện đang ra sức, gồng mình chữa trị cho các bệnh nhân, thì ngay tại các nơi đông dân cư, tại nhiều địa bàn trong Hà Nội, việc xuất hiện các ao tù, nước đọng, rác thải tràn lan... vẫn không được các cấp chính quyền địa phương ngó ngàng tới. Xuất hiện tình trạng, khoán trắng cho ngành y tế về công tác chống dịch. Và có nơi, chỉ khi ngành y tế thông báo có dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thì lúc đó, chính quyền sở tại mới "nháo nhào" triệu tập cuộc họp... khẩn cấp! Nếu việc chống dịch vẫn diễn ra trong tình trạng như vậy, chưa biết bao giờ số bệnh nhân sốt xuất huyết ở Hà Nội mới giảm dần?

                                                                                                              Ths. Nguyễn Thị Minh Thu

(Theo suckhoedoisong.vn)

Những triệu chứng thường gặp của người mắc SXH

Sốt đột ngột, sốt cao và sốt liên tục từ 39 đến 40oC trong 3-4 ngày. Triệu chứng xuất huyết thường xảy ra sau khi bắt đầu sốt một vài ngày rất đa dạng: có người chảy máu mũi, chảy máu dưới da hoặc nôn ra máu... Nhưng cũng có trường hợp, người mang bệnh SXH nhưng lại hoàn toàn không có triệu chứng xuất huyết. Tuy nhiên, dù có hoặc không có triệu chứng xuất huyết, thì bệnh cũng có thể dẫn đến một biến chứng vô cùng nguy hiểm là sốc. Đây là biến chứng nguy kịch nhất của bệnh SXH dễ dẫn tới tử vong. Đặc biệt lưu ý, không bao giờ được tự ý dùng thuốc kháng sinh nếu không có ý kiến của thầy thuốc. Khi phát hiện có các triệu chứng bất thường thì nên đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất để được điều trị kịp thời.